Chỉ học đến cấp 3, nhưng tự tin vào kinh nghiệm trong lĩnh vực cơ khí, người đàn ông 57 tuổi cùng hai thợ khác ở Hà Nội đã tạo ra chiếc xe bọc thép với kinh phí 2 tỷ đồng.
Cách đây khoảng 2 năm, sau khi xem một chương trình của nước ngoài giới thiệu về loại xe bọc thép phục vụ chiến đấu, ông Nguyễn Đình Chính (chủ một cơ sở cơ khí hoạt động trên 20 năm) bắt đầu nghiên cứu và tự làm chiếc xe bọc thép theo sáng kiến của mình.
Đến tháng 9/2015, người từng có nhiều năm công tác trong quân ngũ chính thức bắt tay vào sản xuất. Để có địa điểm rộng rãi, ông lên huyện Ba Vì (Hà Nội) xây dựng xưởng cơ khí rộng gần 300 m2.
Với sự đam mê và lòng quyết tâm, tháng 5/2016, chiếc xe bọc thép "made in Việt Nam" đã có thể lăn bánh. Ông cho biết, kinh phí làm chiếc xe này lên tới 2 tỷ đồng.
Xe khi hoàn thành có 8 bánh, trọng lượng 13 tấn, dài 6,8 m, rộng 3 m và cao 2,6 m.
Do chưa đủ kinh phí, phần thân vỏ dự định làm bằng tôn thép dày với vật liệu chịu sức bền cao ông Chính chưa thực hiện được. Thay vào đó, người kỹ sư nghiệp dư chọn vật liệu có mức dày thông thường, giá rẻ hơn.
Quan sát mắt thường có thể thấy nó chỉ dày từ 40-50 mm. Với độ dày này không thể chống được các loại đạn súng thông thường.
Bên trong xe là máy chính hoạt động, phía trên có hai vị trí người ngồi dành cho chỉ huy và người lái xe. Chiếc xe được thiết kế nhằm phục vụ chiến đấu với các khẩu súng máy mô hình đặt phía trên cùng.
Hệ thống điều khiển của mẫu xe bọc thép được thiết kế khá sơ sài, chưa mang tính ứng dụng cao. Ông cho biết, do thiếu kinh phí, nên hạng mục nào cũng đang dang dở, chưa đúng ý mình muốn.
Một loạt thiết bị của xe chế tạo được là do ông Chính đi thu mua tại các xưởng cơ khí, những loại xe do quân đội thải ra ngoài.
Theo bản thiết kế của chủ nhân chiếc xe, lái xe sử dụng camera và màn hình 13 inch quan sát 4 góc mà không cần mở nắp vẫn điều khiển được. Tuy nhiên hệ thống này chưa được lắp đặt.
Phần đầu xe được thiết kế có đĩa cắt phá các chướng ngại vật, cắt cây cối hoặc dây thép gai. "Hệ thống này bất chấp mọi địa hình", ông Chính nói.
Hệ thống lốp được thiết kế hoạt động động lập. Trong trường hợp một bánh hỏng xe vẫn có thể di chuyển bình thường.
Bên trong, xe chở được khoảng 10 đến 12 người và có thiết kế các lỗ châu mai để chiến đấu trực tiếp khi gặp mai phục.
Do chỉ là mẫu thử nghiệm nên hệ thống máy móc được thiết kế khá nhỏ nhẹ.
Phía dưới gầm được thiết kế bằng những tấm tôn nhỏ nhẹ, đi kèm là những gầm trục nối thẳng ra bánh xe.
Các loại ốc vít được sơn vội vàng nên không được đẹp mắt. "Chúng tôi không phải dân chuyên nghiệp thiết kế xe quân sự nên làm được chiếc xe này là một sự cố gắng lớn", người cựu binh tâm sự.
Ngoài ra, hai bên thành xe còn được thiết kế thêm hệ thống bắt đầu đạn, nhằm hạn chế lực công phá cả các loại đạn cỡ lớn.
Ông Chính cho biết, xe có ưu thế chạy ngang dốc nghiêng 45 độ, nâng hạ gầm từ 0,3 m đến 1,2 m và vượt chướng ngại vật cao 1,5 m, trong khi xe thông thường có thể nâng hạ gầm 20 cm, vượt chướng ngại vật 0,8 m.
Theo Zing.vn